Truyền thông & Bóng đá: Cổ động chứ đừng cổ xúy

Untitled design
Mục lục

Cứ mỗi mùa giải bóng đá, không khó để bắt gặp những bản tin như “Săn lùng thông tin nữ cổ động viên xinh đẹp” – một đại diện tiêu biểu cho cách truyền thông miêu tả nữ giới và bóng đá. Mới đây, chương trình “Nóng cùng FIFA World Cup 2022” cũng gây tranh cãi trên mạng xã hội với sự tham gia của những “chân dài” được tuyển chọn kĩ lưỡng. Họ xuất hiện trong trang phục bó sát, để lộ cơ thể, thường đang tập vũ đạo hoặc thể hình để phục vụ vai trò “làm nóng” cho mùa giải.

“Nóng cùng World Cup” gây tranh cãi vì nhiều lý do. Thứ nhất, tiêu chí tiên quyết tuyển chọn người tham gia là ngoại hình hay khả năng vũ đạo – những thứ vốn không thực sự liên quan đến một chương trình về bóng đá. Với những bản tin cố gắng làm nổi bật sự “hấp dẫn” của họ, hoàn toàn hợp lý khi nhiều người đặt câu hỏi về tính chất của chương trình. “Nóng” ở đây là gì, và tại sao đối tượng được tuyển chọn chỉ là nữ giới?

Thứ hai, kể cả khi yếu tố “kiến thức bóng đá” có đóng góp một phần trong quá trình quyết định ai sẽ lên hình, các cô gái vẫn chỉ đóng vai trò phụ trợ. Với format chương trình nơi các chuyên gia bình luận một bên và các cô gái được phân ra riêng một khu vực với vai trò dự đoán tỉ số, “kiến thức” chỉ đóng vai trò “tô điểm” cho sự xuất hiện của họ.

Khi ta xem xét cẩn thận, vấn đề với sự sắp xếp này nằm ở chỗ nó tiếp diễn những khuôn mẫu đã quá cũ kĩ về thể thao. Sắc đẹp của nữ giới mang tính chất tiêu khiển cho hoạt động thể thao của nam giới. Họ không đóng vai trò gì hơn là giải trí cho “cánh mày râu” – những người ở ghế bình luận viên và sau màn ảnh.

Tuy nhiên, hệ quả của nó vượt ra phạm vi một trận bóng. Sau khi chương trình khai mạc lên sóng, danh sách Facebook của các cô gái bị chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Dân mạng luôn trong trạng thái săn tìm thông tin những nữ cổ động viên vô tình lọt vào ống kính. Phần bình luận của những bài đăng ấy là mảnh đất màu mỡ cho sự tục tĩu, quấy rối tình dục bằng lời nói và tư duy vật hóa phụ nữ. Nghiêm trọng hơn, giá trị của họ được tùy tiện quyết định bằng những câu đùa vui về tình dục và ngành công nghiệp mại dâm.

Không chỉ dừng lại ở xâm phạm quyền riêng tư và quấy rối tình dục, những chương trình như thế này – đặc biệt là khi đến từ những nhà đài tiếng tăm và diễn ra vào các giải đấu tầm cỡ – chẳng khác nào cổ xuý cho định kiến, làm giảm uy tín và vai trò của phụ nữ trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Vốn dĩ, phụ nữ đã luôn gặp nhiều rào cản và khó khăn hơn khi tham gia vào lĩnh vực thể thao; bởi vậy, các chương trình này đang góp phần làm sâu sắc thêm những rào cản ấy. Chị Huỳnh Như – Đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Một trong những thiệt thòi của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, là tình yêu thể thao của phụ nữ thực sự khó được nhìn thấy và tạo điều kiện; nỗ lực thi đấu và cống hiến của họ ít khi được xã hội quan tâm.”

Miễn là những chương trình, bài viết nêu trên còn được hưởng ứng bởi khán giả thì truyền thông sẽ không dừng lại. Đừng để những giá trị mua vui bề mặt hằn sâu thêm định kiến và làm lu mờ đi tài năng cũng như sự cống hiến nghiêm túc của hàng trăm hàng nghìn nữ cầu thủ ngoài kia.

Hãy cổ động, đừng cổ xuý.

Nguồn: Nhà Nhiều Cột.

BẠN CÓ DỰ ÁN?

Liên hệ với TUVA